Trong cuộc họp định kỳ của Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam ngày 7/9, Chủ tịch Hội Nguyễn Trọng Điều đã có những chia sẻ hết sức thiết thực để đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua dịch COVID-19.
Chủ trì buổi giao ban có PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, Chủ tịch Hội VPBA. Cùng dự có các ông Nguyễn Thủ Đô, Phó Tổng thư ký thường trực Hội; ông Chu Thế Ngọc, Phó Tổng thư ký Hội cùng đại diện lãnh đạo các ban nghiệp vụ, đơn vị trực thuộc Hội VPBA và chủ các doanh nghiệp trong cả nước thông qua hình thức giao ban trực tuyến.Tại cuộc họp PGS.TS Nguyễn Trọng Điều chia sẻ tình hình dịch bệnh tại phía Bắc được kiểm soát tốt hơn nhưng khối doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng. Nếu có hết giãn cách thì các doanh nghiệp cũng chưa thể hồi phục nhanh được. Thời gian hồi phục rất có thể sẽ mất tới cả năm trời.
Tại phía Nam, TP HCM và các tỉnh giáp ranh cơ bản kiểm soát được COVID-19 bùng phát lần thứ 4. Kinh tế TP HCM đã chịu tổn thất nghiêm trọng trong thời gian giãn cách: Tổn thất lớn của cá nhân, hộ gia đình, lao động, việc làm suy giảm mạnh, doanh nghiệp kiệt quệ tài chính. Nếu không có sự can thiệp kịp thời của Nhà nước, tỷ lệ thất nghiệp của TP HCM và khu vực phía Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Ngoài ra, tốc độ phục hồi kinh tế của thành phố phụ thuộc lớn vào tốc độ, quy mô hỗ trợ từ Chính phủ và chính quyền TP. HCM.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, để chính sách hỗ trợ đạt hiệu quả tức thời, các gói hỗ trợ tập trung vào hai hướng.
Đầu tiên là hỗ trợ trực tiếp cho tổng cầu bằng cách cắt giảm thuế, tăng chi đầu tư, chi hỗ trợ việc làm, chi hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, đảm bảo an sinh xã hội. Tiếp đó là hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, chia sẻ chi phí, bảo lãnh và cho vay, cung cấp dòng vốn chi phí thấp.
Cụ thể, chính sách hỗ trợ cần hướng đến các mục tiêu sau như: Đảm bảo an sinh xã hội cho cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp gặp tổn thương nghiêm trọng; hỗ trợ dài hạn cho hộ gia đình có trẻ em trong độ tuổi đi học gặp tổn thương đặc biệt nghiêm trọng; gia tăng khả năng có việc làm, tự ổn định thu nhập của đối tượng yếu thế.
Với sản xuất kinh doanh, cộng đồng các doanh nghiệp, cần khắc phục hậu quả đứt gãy sản xuất, ổn định chuỗi cung ứng, tăng tính liên kết vùng; hỗ trợ thanh khoản, nợ vay có chi phí thấp; chia sẻ gánh nặng chi phí của doanh nghiệp; hạn chế sa thải lao động; kích cầu, ổn định và phát triển thị trường, gia tăng khả năng tự phục hồi của tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp.
Về ngân sách nhà nước, kiến tạo nguồn ngân sách kịp thời để đẩy nhanh đầu tư công và triển khai kịp thời các gói hỗ trợ có quy mô đủ lớn; giữ ổn định nhịp tăng trưởng, góp phần cân đối ngân sách theo hướng tích cực trong năm 2022.
Vai trò và vị trí của TP HCM đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như trên phạm vi cả nước là rất quan trọng. Do đó họ cần sự hỗ trợ nguồn lực từ ngân sách trung ương, điều này đóng vai trò then chốt, bao gồm cả hỗ trợ tức thời trong ngắn hạn và hỗ trợ mang tính cấu trúc khi kết thúc giãn cách và tiếp tục kéo dài trong trung hạn.
Ngoài ra, để kiến tạo phục hồi cho TP.HCM, Chính phủ áp dụng cơ chế đặc thù để tạo động lực, nhằm giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh nhất có thể, tạo tác động lan tỏa cho cả vùng. Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh, việc cần thiết hiện nay là các doanh nghiệp và người dân phải giữ sức khỏe, đoàn kết để cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19.