Sau một tuần triển khai chiến dịch tiêm chủng Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi, phụ huynh quan tâm đến vaccine nào được tiêm cho trẻ, tác dụng phụ, nguy cơ viêm cơ tim…
Bộ Y tế phê duyệt tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi từ ngày 14/10. Chiến dịch tiêm cho trẻ em trên toàn quốc chính thức triển khai từ 1/11. Theo kế hoạch, từ nay đến quý I/2022, toàn bộ trẻ 12-17 tuổi sẽ được chủng ngừa theo lộ trình, ưu tiên 16-17 tuổi, hạ dần độ tuổi, ưu tiên khu vực đang có dịch và theo nguồn cung vaccine.
5 thắc mắc thường được các phụ huynh quan tâm, gồm:
Loại vaccine nào được sử dụng để tiêm cho trẻ em trên 12 tuổi?
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Pfizer cho trẻ em trên 12 tuổi. Vaccine này được tiêm hai mũi cách nhau 21 ngày. Liều thứ hai có thể được tiêm sau 6 tuần tiêm liều đầu tiên.
Nghiên cứu cho thấy vaccine Pfizer hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa Covid-19 ở trẻ em từ 12 đến 15. Nó cũng hiệu quả 91% trong việc ngăn ngừa bệnh nặng với Covid-19 ở những người từ 16 tuổi trở lên, trong đó có biến thể Delta.
Phụ huynh cần làm gì khi đưa trẻ đi tiêm?
Trước tiêm, nói chuyện với con về những phản ứng của cơ thể có thể xảy ra khi tiêm vaccine. Trao đổi với nhân viên y tế tại cơ sở tiêm chủng về bất kỳ loại dị ứng nào mà con mắc phải. Động viên trẻ trước, trong và sau tiêm chủng.
Tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm?
Cánh tay nơi có mũi tiêm có thể đau đớn, đỏ, sưng tấy. Tác dụng phụ trên toàn cơ thể là mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn.
Sau tiêm, trẻ ở lại điểm tiêm theo dõi trong vòng khoảng 30 phút để đội ngũ y tế can thiệp kịp thời nếu nếu xảy ra phản ứng với vaccine.
Tương tự như người lớn, tác dụng phụ trên trẻ thường kéo dài từ một đến 3 ngày. Những phản ứng này có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt, biến mất sau vài ngày. Một số trẻ không gặp tác dụng phụ.
Phụ huynh nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn về việc sử dụng thuốc giảm đau không aspirin và các bước khác để giảm tác dụng phụ của vaccine. Không nên sử dụng thuốc giảm đau trước khi tiêm chủng với mục đích ngăn ngừa phản ứng phụ.
Vaccine có thể ảnh hưởng đến tim mạch?
Tại Mỹ đã có báo cáo các trường hợp về viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau khi tiêm vaccine Covid-19 công nghệ mRNA, đặc biệt là ở nam từ 16 tuổi trở lên. Những báo cáo này rất hiếm, CDC Mỹ đang điều tra xem liệu có bất kỳ mối quan hệ nào với việc tiêm chủng Covid-19 hay không.
Trong số trường hợp được báo cáo, viêm cơ tim xảy ra sau khi tiêm liều thứ hai được vài ngày. Hầu hết đều nhanh chóng cảm thấy khỏe hơn sau khi được uống thuốc và nghỉ ngơi.
Các triệu chứng cần theo dõi bao gồm tức ngực, khó thở, cảm giác tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực. Nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng nào trong vòng một tuần sau khi chủng ngừa Covid-19, hãy liên hệ với trung tâm tiêm chủng để được hướng dẫn và chăm sóc y tế.
Vaccine có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hoặc kinh nguyệt?
Không có bằng chứng cho thấy bất kỳ loại vaccine Covid-19 nào gây ra các vấn đề về khả năng sinh sản.
Một nghiên cứu cho thấy một số phụ nữ bị thay đổi kinh nguyệt tạm thời sau khi tiêm. Không rõ liệu tiêm vaccine có gây ra những thay đổi này hay không, hiện chưa có nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này. Trên thực tế nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, như nhiễm trùng, căng thẳng, các vấn đề về giấc ngủ, thay đổi trong chế độ ăn uống hoặc tập thể dục.
Khi nào trẻ em được coi là tiêm chủng đầy đủ?
Trẻ em được coi là đã được tiêm chủng đầy đủ sau hai tuần kể từ khi tiêm liều thứ hai vaccine Covid-19.
Thạc sĩ Lê Mạnh Đức
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108